Ba mẹ biết gì về quả tắc?
Trong trái tắc (quất) có chứa rất nhiều pectin và vitamin, có tác dụng đánh tan đờm, giảm ho và hen suyễn vô cùng hiệu quả. Ngoài ra tắc ngâm đường còn rất tốt cho dạ dày vì tỏng đó có rất nhiều chất xơ, giúp chúng ta hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
* Món tắc ngâm đường:
Nguyên liệu: (1 kg tắc, 400g đường, 200g muối hột + muối ăn, hủ thủy tinh)
* Cách làm món tắc ngâm đường
Bước 1: Sơ chế
Ngâm tắc trong nước muối loãng khoảng 5 phút, để làm sạch lớp vỏ bên ngoài. Rồi vớt ra, rửa lại bằng nước sạch và đổ ra để ráo nước.
Lưu ý: Đối với loại tắc kiểng bạn phải rửa lại thật sạch và nhiều lần với nước, vì trong quá trình trồng cây người dân đã sử dụng rất nhiều loại thuốc, hóa chất, thuốc trừ sâu. Để đảm bảo an toàn bạn cần sơ chế kỹ trước khi sử dụng chúng.
Bước 2:Chần tắc
Nấu 1 nồi nước sôi rồi tắt bếp, bỏ tắc vô nước nóng chần trong 1 phút để tắc mềm, nhanh thấm và không bị đắng khi ngâm. Sau khi chần xong, vớt tắc ra để vào 1 thau nước lạnh, rửa lại rồi để ráo.
Dùng tăm đâm đều xung quanh quả tắc. Làm như vậy để khi ngâm, tắc sẽ căng bóng, vỏ ngoài không bị nhăn nheo. Tắc sau khi đâm xong thì đem ngâm vào trong thau nước lạnh khoảng 3 phút rồi vớt ra để ráo.
Bước 3: Nấu nước ngâm
Đổ đường và muối hột vào nồi, rồi thêm tiếp 1 lít nước vào và nấu sôi lên cho tan hoàn toàn các nguyên liệu. Đến khi tan hoàn toàn, thì tắt bếp và để cho nước nguội.
Bước 4: Thành phẩm
Để tắc vào lọ thuỷ tinh trước, rồi mới đổ nước ngập tắc. Dùng 1 cái chén cơm hoặc nắp chặn để đè tắc xuống ngập trong phần nước ngâm, như vậy thì tắc mới không bị đen, và đậy kín nắp lại. Để lọ ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời. Ngâm từ 2-3 ngày là có thể lấy ra sử dụng.
* Thưởng thức:
Món tắc ngâm đường, hương vị mát lành, trong trẻo, trái tắc căng mọng nước, cắn vào có thể cảm nhận được vị ngọt thanh thanh, thêm mùi thơm đặc trưng, đây chắc chắn là một trong những món nước uống ngon mà bé từng ăn đấy.
Nguồn: Sưu Tầm