ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CỦA TRẺ 2 - 3 TUỔI CÓ THỂ BA MẸ CHƯA BIẾT
Tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về các mặt tư duy, sáng tạo, vận động và cả các mối quan hệ xã hội. Lúc này, trẻ có thể tham gia đa dạng các trò chơi khác nhau cũng như có thể vẽ nguệch ngoạc theo ý của mình. Để có thể hiểu thêm về quá trình phát triển tâm lý trẻ trong độ tuổi này, mời các mẹ tham khảo bài viết thú vị dưới đây.
1. Đặc điểm tâm lý trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 3
Khả năng nhận thức và học hỏi trẻ từ 2 tuổi trở đi rất cao và mang tính tổng quát. Trẻ đặc biệt nhanh nhạy trong việc quan sát và bắt chước lời nói, hành vi, thái độ của mọi người xung quanh. Những điều trẻ học hỏi từ người lớn chính là những hiểu biết ban đầu của trẻ về thế giới. Do đó, ba mẹ và thầy cô nên cân nhắc các hành vi, lời nói và tình cảm của mình để làm gương cho trẻ.
Trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi, trẻ rất tò mò về các sự vật xung quanh. Trẻ sẽ bắt đầu hành trình khám phá của mình thông qua các trò chơi. Bằng những trò chơi đa dạng và ngày càng mang tính phức tạp, trẻ bắt đầu hiểu được thế nào là kích thước, hình dạng, âm thanh và sự vận động của các sự vật. Thông qua đó, các vận động tinh và vận động thô cùng với các khả năng quan sát, tưởng tượng của trẻ được kích thích phát triển vượt bậc.
Thêm vào đó, tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi còn có những đặc điểm nổi bật khác. Trẻ nghĩ rằng ba mẹ “đọc được suy nghĩ” của mình. Trẻ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng/ những giấc mơ/ phim ảnh. Trẻ thường viết nguệch ngoạc với nhiều nét vẽ khác nhau nhưng còn non yếu và phần lớn chưa thành hình ảnh cụ thể.
Ngôn ngữ ở độ tuổi từ 2 đến 3 phát triển rất nhanh chóng. Trẻ hiểu rõ lời người lớn nói và cũng nhanh nhẹn làm theo các hiệu lệnh. Trẻ rất thích tập nói những câu dài trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi và rất thích giao tiếp với bạn bè và người lớn. Tuy nhiên, đôi lúc trẻ chưa xác định được hoặc bị lẫn lộn các ngôi xưng với bạn bè, người lớn. Vì còn đang tập nói những câu dài nên trẻ chưa thể diễn đạt được hết những mong muốn, suy nghĩ của mình với người lớn. Vậy nên, nhiều khi trẻ la hét, khóc thét là do trẻ đang khó chịu hay bực bội điều gì đó, ba mẹ nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân tránh la mắng trẻ ngay tức thì làm xáo động tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi.
2. Các trò chơi giúp phát triển tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi
2.1. Trò chơi mô phỏng
Trong độ tuổi này, trẻ rất thích mô phỏng những thứ trẻ nhìn thấy, nghe thấy bởi vì việc đó làm trẻ có cảm giác mình tài năng, mình có thể làm được nhiều thứ trong cuộc sống này như ba mẹ mình vậy. Trẻ thường mô phỏng các hoạt động như đóng vai các nhân vật, phân vai chơi giả bộ, nghe điện thoại, lái xe đổ xăng, lái máy bay, chăm sóc gia đình,… Các trò chơi mô phỏng sẽ giúp trẻ hiểu được những điều đang diễn ra xung quanh, bồi dưỡng các khả năng về ngôn ngữ, vận động, quan sát, tưởng tượng trong giai đoạn vàng phát triển tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi này.
2.2. Những trò chơi xây dựng, lắp ghép
Những trò chơi này sẽ giúp trẻ hiểu thêm về kích thước, màu sắc, hình khối và giúp trẻ phát triển vận động tay khéo léo, vững vàng hơn. Nhận thức trong tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi phát triển rất nhanh, do đó ba mẹ nên cho trẻ chơi các trò theo sự tăng dần về độ khó cũng như phức tạp của trò chơi để khám phá hết tiềm năng của trẻ.
Trò chơi xếp tháp: Mô phỏng trò chơi xây dựng để cho trẻ học theo, ví dụ xếp một khối tháp hoặc một ngôi nhà bằng nhiều khối đồ chơi có hình dáng, màu sắc, kích thước khác nhau.
Trò chơi Lego: Trò chơi này đòi hỏi trẻ tập trung và khéo léo để ráp những mảnh Lego lại với nhau. Đây là trò chơi kích thích trí tưởng tượng giúp tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi phát triển khá nhanh vì với những mảnh Lego vuông vức trẻ sẽ tự hình dung mình ráp thành đồ vật gì.
Ghép hình: Cho trẻ những mảnh ghép rời rạc nhau và trẻ sẽ kiên nhẫn tìm tòi rồi ghép chúng lại thành những hình ảnh con vật, đồ chơi hoàn chỉnh.
Chơi với chữ cái: Trước tiên, tập chơi trò tìm chữ phù hợp. Sau đó, ba mẹ viết chữ cái lên 1 tờ giấy và yêu cầu trẻ tìm chữ phù hợp, dán đúng lên chữ đã viết đó. Khi trẻ đã thành thạo ba mẹ mẹ có thể nâng dần độ khó lên. Trò tìm chữ có thể khó khăn trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi này, vì trẻ chưa biết đọc, bạn có thể lựa những tấm bảng nhỏ có các từ chứa từ 2 – 3 chữ cái để trẻ nhận biết và trẻ sẽ lựa chọn đúng tấm bảng tương tự.
Trò chơi với các chữ số: Sau khi xây dựng các hình khối xong, ba mẹ có thể cùng trẻ tháo rỡ mọi thứ và tập đếm những số thứ tự đơn giản cùng trẻ. Ba mẹ đếm trước một vài lần sau đó hãy hỏi trẻ những câu hỏi dạng như: “Mẹ đố con ngọn tháp cao nhất con vừa xếp được có bao nhiêu miếng ghép?”. Sau đó bạn hãy giúp trẻ trả lời bằng cách đếm cùng trẻ.
2.3. Trò chơi tạo hình
Các hoạt động vẽ, tô màu tranh in sẵn, nặn đất sét và tạo hình trên cát kích thích phát triển tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi rất tuyệt vời và không thể thiếu. Những trò chơi này giúp trẻ phân biệt màu sắc thuần thục hơn, nhận diện hình ảnh rõ ràng hơn và sáng tạo đa dạng hơn.
Hoạt động tạo hình còn là phương tiện để trẻ bày tỏ tâm tư, tình cảm chưa thể diễn đạt một cách hiệu quả. Vì vậy, ba mẹ đừng ngại bẩn, ngại trẻ quấy tung màu sắc mà cứ khuyến khích trẻ tạo hình thỏa thích, ba mẹ sẽ thấy trẻ thường rất tập trung và hứng thú trong các trò chơi này.
3. Tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi biểu hiện qua tranh vẽ
Bất cứ trẻ nào cũng có niềm đam mê và yêu thích chơi với màu sắc vì đó chính là thế giới tình cảm đầy sắc màu của trẻ. Hoạt động vẽ tranh là một trong những hoạt động chủ đạo có thể khám phá được các đặc điểm tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi. Đây là giai đoạn những nét vẽ của trẻ còn non nớt, nguệch ngoạc chưa thành những hình ảnh cụ thể, hoàn chỉnh.
Cũng như cách trẻ nhìn nhận về thế giới xung quanh còn nhiều điều mới mẻ và trẻ chưa tiếp nhận được hết. Ba mẹ có thể quan sát cách trẻ chọn màu, vị trí trẻ thường vẽ trên tờ giấy và những đường nét trẻ thích vẽ nhất. Tất cả những điều đó là nguyên liệu quan trọng để hiểu hơn về tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi.
Nếu con mình chọn đa dạng nhiều màu tươi sáng thì không sao, tuy nhiên nếu trẻ lúc nào cũng chọn màu đen hoặc màu tối dù ba mẹ có khuyến khích trẻ chọn màu sáng mà trẻ vẫn không muốn thì nên cân nhắc. Thêm vào đó, nếu trẻ di màu quá mạnh hay quá nhạt trên nền giấy cũng là điểm đáng chú ý, là tín hiệu cho ba mẹ thấy rằng tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi đang có những nỗi niềm không được giải tỏa. Vậy nên, vẽ không chỉ đơn giản là hoạt động giúp trẻ phát triển nhận thức mà còn đóng vai trò quan trọng giúp trẻ bày tỏ những khủng hoảng trong tâm lý.
Với bài viết về đặc điểm tâm lý trẻ 2 – 3 tuổi biểu hiện cụ thể qua các công cụ trò chơi và học vẽ này mong rằng ba mẹ sẽ có những phương pháp nuôi dạy con khoa học và hợp lý. Hãy tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con yêu có được sự phát triển lành mạnh, bố mẹ nhé!
Sưu tầm